Những điểm mới, nổi bật của Luật Đất đai sửa đổi vừa thông qua
Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ một số quy định cụ thể. Trong đó, tiếp thu ý kiến đại biểu, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, dự thảo luật quy định hiệu lực sớm đối với điều 190 và điều 248 từ ngày 1/4/2024.
Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến khác nhau trong Luật Đất đai sửa đổi đó là về các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Tại điểm b khoản 1 và khoản 6 Điều 127 Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua quy định: Được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở; được sử dụng quyền sử dụng đất đang có để thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với đất ở hoặc đất ở và đất khác.
Trường hợp cần thiết, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm trình cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác quy định của Luật.
Quốc hội “bấm nút” chi gần 58.000 tỉ đồng cho 32 dự án hạ tầng giao thông
Quốc hội đồng ý phân bổ hơn 63.720 tỉ đồng cho các dự án đầu tư công thuộc năm lĩnh vực: Giao thông, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước và khoa học công nghệ. Trong đó, lĩnh vực giao thông chiếm đến 91% tổng số vốn kể trên với 57.730 tỉ đồng cho 32 dự án.
Tại Hội nghị tổng kết công tác 2023 và triển khai kế hoạch 2024 của Bộ Giao thông Vận tải mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong năm 2023 đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó riêng đường bộ cao tốc với 9 dự án dài 475km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900km.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ GTVT, đến tháng 12, ước giải ngân của Bộ đạt khoảng 90% kế hoạch và dự kiến hết niên độ đạt trên 95%. Năm 2023, Bộ được Chính phủ giao giải ngân hơn 94.160 tỉ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022, gấp 2,2 lần năm 2021, cùng với 19,9 tỷ đồng bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông..
Giá nhà TP.HCM liên tục lập đỉnh, cán mốc 350 triệu đồng mỗi m2
Báo cáo về thị trường bất động sản quý 4 và cả năm 2023 của Cushman & Wakefield mới đây cho thấy nguồn cung mới năm 2023 ở phân khúc nhà liền thổ năm 2023 đạt 338 căn, giảm 72% so với cùng kỳ.
Quỹ đất hạn chế kéo dài khiến nguồn cung mới chậm ra mắt trên thị trường. Nguồn cung mới năm 2023 chủ yếu và phân khu mở bán tiếp theo của các khu đô thị và tập trung ở TP Thủ Đức. Các khu vực khác ở TP.HCM phải đối mặt với thách thức khan hiếm quỹ đất sẵn có phù hợp phát triển dự án nhà liền thổ.
Giá sơ cấp trung bình nhà liền thổ tại TP.HCM tiếp tục tăng, đạt gần 14.500 USD/m2, tương đương hơn 350 triệu đồng/m2, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Triển khai thi công đồng loạt dự án điện 23.000 tỷ đi qua địa bàn 43 huyện, thị xã của 9 tỉnh thành
Các dự án được triển khai thi công gồm: đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu; đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa; Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa, đường dây 500kV nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 – Phố Nối.
Trước đó, vào cuối tháng 10/2023, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã khởi công dự án đường dây 500kV nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 – Thanh Hóa.
Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối có tổng chiều dài khoảng 519 km, đi qua địa bàn 211 xã, phường, của 43 huyện, thị xã thuộc 9 tỉnh gồm Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên. Dự án này có tổng số móng cột là 1.179 và tổng mức đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng.