Thị trường bất động sản và động lực phục hồi

Ngày đăng: 02/12/2023 bởi Ad G.EMPIRE

Được sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, thị trường bất động sản (BĐS) đã có những tín hiệu hồi phục. Dự báo, sự hồi phục của thị trường BĐS sẽ trở nên rõ nét hơn vào giai đoạn giữa năm 2024.

anhbaitren.jpg
Thị trường bất động sản sẽ có nhiều điểm sáng từ quý I/2024. Ảnh: Quang Vinh.

Hàng loạt đợt tiếp sức

Khảo sát mới nhất của Datxanh Services, 11% môi giới cho biết đã trở lại nghề trong quý III/2023; 38% số người tham gia cho biết sẽ trở lại khi thị trường hồi phục rõ nét; 24% cho biết đang phân vân, chờ tình hình thị trường năm 2024 sẽ quyết định sau.

Còn báo cáo về tình hình tháo gỡ khó khăn của các dự án BĐS, UBND TPHCM cho biết, tính đến đầu tháng 11/2023, trong tổng số 189 kiến nghị tại 148 dự án đang gặp vướng mắc, thành phố chỉ đạo các sở, ngành giải quyết được 52 kiến nghị tại 44 dự án.

Các thông tin tốt liên quan đến thị trường BĐS đang nhiều hơn về cuối năm, một số dự án được tháo gỡ pháp lý, xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai từ đây đặt ra kỳ vọng, nguồn cung thời gian tới sẽ được cải thiện. Ngoài ra điểm tích cực nữa là, khi pháp lý được cải thiện, chủ đầu tư có thể huy động thêm tiền từ khách hàng, vì pháp lý đã tiến thêm một bước. Ngân hàng có thể tài trợ nguồn vốn cho dự án, việc mua bán dễ dàng hơn.

Chịu tác động lớn nhất từ những khó khăn, biến động của kinh tế vĩ mô và “ngấm đòn” sau tác động của đại dịch Covid-19, thị trường BĐS đã trải qua hơn 1 năm chìm trong khó khăn và đối mặt với những thách thức chưa từng có. Tuy nhiên, được xác định là ngành có tác động lớn đến nền kinh tế Chính phủ, các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ để phục hồi thị trường BĐS.

Cụ thể, ngày 5/3, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023 tháo gỡ các vấn đề về trái phiếu. Ngày 11/3, Chính phủ ban hành Nghị quyết 33 về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển. Ngày 3/4, Chính phủ ban hành Nghị định 10/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, mở ra cửa sáng cho việc cấp sổ Condotel; kèm theo đó là liên tiếp các văn bản điều chỉnh hạ lãi suất từ phía Ngân hàng Nhà nước được cho là yếu tố tác động tích cực lên sức cầu thị trường trong thời gian qua.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 993 ngày 24/10/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Công điện như một cú hích, thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc giải quyết khó khăn cho BĐS.

Từ tháng 3 trở lại đây, Chính phủ và các bộ ngành đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, nghị định có tác động đến thị trường, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để từng bước khắc phục những vấn đề đang tồn đọng và thúc đẩy sự phục hồi của thị trường. Qua đó, đem đến những điểm sáng tích cực hơn cho thị trường như phân khúc BĐS công nghiệp; nhiều tín hiệu triển khai từ các ngành, các cấp, các doanh nghiệp về nhà ở xã hội…

Thực tế cho thấy tỷ lệ sản phẩm nhà ở sơ cấp đủ pháp lý đang tăng dần trong thời gian qua, chứng minh sự hiệu quả trong công tác quản lý chặt chẽ của Nhà nước thông qua điều chỉnh các chính sách pháp luật về đất đai và nhà ở.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, hiện nay, thị trường BĐS đang có một số động lực để phục hồi. Sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ban, ngành đã giải quyết các khó khăn trên thị trường BĐS, từ đó tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tiếp cận vốn… Thị trường đang tiếp tục quá trình tái cấu trúc ở các phân khúc, đặc biệt với phân khúc nhà ở cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng. “Các chủ đầu tư đang cân nhắc để tập trung nguồn lực vào các dự án khả thi để nhanh chóng đưa ra thị trường, thúc đẩy dòng tiền quay trở lại. Ngoài ra, Chính phủ có đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ góp phần nhanh quá trình tái cấu trúc thị trường, đổi mới hoạt động, tăng cường năng lực của thị trường một cách nhanh nhất” – ông Thịnh đánh giá.

Niềm tin tăng dần

Ông Nguyễn Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM bày tỏ sự kỳ vọng vào các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành để thị trường BĐS phát triển minh bạch, an toàn và bền vững.

Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng cho rằng, từ đầu năm đến nay, thị trường BĐS đã đón nhận hàng loạt đợt tiếp sức từ các cơ chế, chính sách của Chính phủ, các bộ ngành. Khoảng 10 cơ chế, chính sách được ban hành chỉ trong 8 tháng đầu năm, rất nhiều cuộc họp cấp trung ương được tổ chức với mục tiêu gỡ khó cho thị trường BĐS, giúp thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Điều này góp phần tích cực vào tiến trình phục hồi của thị trường.

Theo báo cáo của Hội Môi giới BĐS, những nỗ lực từ nhiều phía đã góp phần tích cực nhằm “giữ” thị trường BĐS, đến nay, tuy thị trường chưa đủ lực để có thể vượt dốc nhưng phần nào đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh”. Các cơ chế, chính sách thúc đẩy cho thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu được thẩm thấu.

Ông Bùi Văn Doanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐS đánh giá, niềm tin của nhà đầu tư vào sự phục hồi của thị trường BĐS ngày càng được củng cố. Đây là một trong những vấn đề then chốt, mang tính quyết định tới tiến trình phục hồi của thị trường. Chỉ khi nào nhà đầu tư mạnh dạn “xuống tiền” lúc đó thị trường mới có thanh khoản, mọi cố gắng, nỗ lực của các phía mới đi đến kết quả cuối cùng. Nhiều địa phương ghi nhận kết quả giao dịch BĐS đang dần tăng lên và ổn định. Tâm lý nhà đầu tư dần ổn định, khiến “làn sóng bán cắt lỗ” cũng đã có dấu hiệu được kiểm soát. Khi thị trường có thanh khoản, chủ đầu tư giải quyết được hàng tồn, có dòng tiền, các sàn giao dịch, môi giới BĐS cũng có nguồn thu nhập từ hoa hồng bán hàng, toàn bộ thị trường sẽ dần được kích hoạt trở lại.

Theo: daidoanket.vn