Lãi suất ngân hàng hạ, dòng tiền đang có xu hướng đổ mạnh vào lĩnh vực địa ốc là tín hiệu cho thấy kênh đầu tư này sớm lấy lại vị thế trong đánh giá của giới đầu tư.
Giao dịch bắt đầu gia tăng là một trong những tín hiệu thể hiện rõ nét nhất sự tan băng của thị trường địa ốc.
Bà Phạm Thị Miền – Phó Ban nghiên cứu thị trường và Tư vấn xúc tiến đầu tư của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, lực cầu có sự cải thiện trong thời gian qua, đặc biệt trong quý 2/2023. Cụ thể, lượng giao dịch tăng khoảng 30% so với quý 1, đạt hơn 3.700 sản phẩm. Tuy nhiên, lực cầu này tập trung chính ở bất động sản nhà ở.
Bà Miền cho hay, sở dĩ lượng giao dịch tăng so với quý trước là do tác động đến từ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ và việc một số ngân hàng giảm lãi suất. Đáng chú ý, 80% giao dịch thành công tập trung ở phân khúc căn hộ chung cư đến từ các dự án do các chủ đầu tư lớn, uy tín trên thị trường phát triển. Các dự án bất động sản đều có pháp lý rõ ràng, minh bạch và được cả khách mua ở và mua đầu tư đón nhận.
Dấu hiệu khác của thị trường tan băng đó là dòng tiền đã và đang đổ mạnh vào lĩnh vực địa ốc. Động thái của nhiều nhà đầu tư và người mua nhà hiện tại cho thấy, niềm tin đang trở lại thị trường địa ốc. So thời điểm trước, tâm lý do dự còn xuất hiện. Nhưng đến hiện tại, nhiều người mua đã mạnh tay chi tiền hơn.
Theo giới đầu tư, thị trường địa ốc sẽ còn đón dòng tiền lớn chảy từ nhà băng do tâm lý không còn mặn mà với mức lãi suất huy động đang giảm. Thị trường còn đón nguồn tiền kiều hối đổ vào Việt Nam. Ngoài ra, sức bật của thị trường còn nhờ trợ lực về nguồn vốn FDI.
Như mọi năm, thị trường sẽ luôn sôi động vào giai đoạn cuối năm do tâm lý sở hữu nhà của nhiều người dân. Đây cũng là một tín hiệu có thể góp phần “hâm nóng” thị trường địa ốc.
TS Nguyễn Duy Phương – Giám đốc đầu tư DG Capital nhận định khả năng thanh khoản trên thị trường vẫn chậm nhưng tới cuối quý IV/2023, các chỉ báo sẽ tốt hơn.
Ông Khương phân tích, trong quý cuối cùng của năm, các dòng lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh thường đổ vào bất động sản, hơn nữa đầu tư công, vốn FDI cũng thường được đẩy mạnh vào thời gian này.
Cuối năm, với dòng tiền kiều hối và cổ tức từ kết quả kinh doanh trong năm, những nhà đầu tư sẽ suy nghĩ xem nên bỏ tiền đó vào đâu. Năm nay, do nguồn cung hạn chế và giá bất động sản tại các đô thị lớn đang neo cao, dự kiến nguồn tiền này có xu hướng đổ vào những thị trường các tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch.
Ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội – cho rằng nếu những vướng mắc về pháp lý được khơi thông, các dự án sẽ tiếp tục được triển khai. Từ đó, các sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường, tháo gỡ sự thiếu hụt về nguồn cung. Cộng hưởng cùng với chính sách gỡ vướng của Chính phủ, thị trường có thể sẽ hồi phục và phát triển vào năm 2024.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường có thể tan băng nhưng để tăng trở lại như kỳ vọng của các nhà đầu tư là điều khó xảy ra.
Mong đợi của các nhà đầu tư về thị trường thanh khoản và tăng giá tốt như giai đoạn quý I/2022 thì e rằng khó xảy ra. Vì trong năm 2024 – 2025, các chính sách kinh tế và tài chính của Nhà nước không hổ trợ việc nà.
Còn nếu phục hồi theo hướng phát triển lành mạnh của thị trường, tức là thị trường bất động sản tăng sau sức tăng của nền kinh tế một bước. Theo đó, các bất động sản có nhu cầu ở và thuê kinh doanh sẽ có thanh khoản, và từng bước tăng giá theo sức tăng kinh tế, hoặc theo đô thị hóa từ hiệu ứng phát triển hạ tầng và khu công nghiệp thì kịch bản này xảy ra trễ nhất là năm 2025 và kỳ vọng quý III/2024.